• Thông báo

    Trang này được xây dựng như một Bách khoa về người phương Đông và các vấn đề liên quan. Các bạn có thể sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm những mục từ mà mình quan tâm. Nếu không tìm được hoặc chỉ muốn dạo chơi qua, các bạn có thể vào mục Thể loại phía trên và từ mục đó đến với tất cả các thể loại và bài viết có mặt trong trang.

    Ở cuối mỗi trang đều có mục thể loại là nơi tập hợp những bài viết có liên quan đến bài bạn đang xem.
    Các bạn hãy coi phần nhận xét ở cuối mỗi bài là trang thảo luận để cải thiện chất lượng bài và bàn về những vấn đề liên quan. Về những ý kiến đối với toàn trang, xin viết ở phần nhận xét của trang Diễn đàn.

    Bách khoa này đang trong quá trình hoàn thiện nên những bài viết còn rất ít và sơ khai. Trang bắt đầu hoạt động từ ngày 26/6/1010.

    Bongdentoiac Group

    Trụ sở: TP.Hà Nội, Việt Nam Email: bongdentoiac@gmail
  • Thông điệp

    Vì sao

    Xin hiểu vì sao theo nghĩa rộng gồm các ngôi sao, hành tinh và vệ tinh… Vì sao cũng có thể là câu hỏi: vì sao?

    Mỗi người đều có một vì sao riêng của mình. Và vì sao của tôi chính là Trái Đất. Mọi người đều muốn được ngắm nhìn vì sao của mình. Còn tôi, tôi thấy nó hằng ngày, thấy cả trong giấc ngủ. Tôi thấy những gì đang diễn ra xung quanh nó. Vì sao của ai cũng lung linh và họ hi vọng nó sáng chói trên bầu trời, vũ trụ. Vì sao của tôi thì ngày càng tối tăm, mù mịt. Bao nhiêu khí độc, bao nhiêu tệ nạn, bao nhiêu bệnh tật đã làm cho Trái Đất yếu đi nhiều so với cái hồi tôi gặp nó. Ai đã làm nên tất cả những điều này. Đó chính là tôi hay là các bạn đang giữ cho mình một vì sao sáng. Vì sao của đời bạn đã làm cho bạn những gì? Vì sao của tôi luôn hết mình vì mọi người mà chẳng nhận được chút gì. Tôi đã làm được gì cho nó? Xin các bạn hãy giúp tôi thực hiện cái nhiệm vụ to tát này. Để mãi mãi về sau Trái Đất - vì sao của tôi - có thể sinh lợi cho các bạn.

    Hà Nội, 19/8/2005
    Tường Trung Phủ (祥衷甫)

Họ Lý

(李) là một họ của người Á Đông. Đây là họ phổ biến nhất ở phương Đông và xuất hiện ở hầu hết các nước trong khu vực này. Họ Lý đứng thứ 4 trong danh sách Bách gia tính. Ở Trung Quốc, Lý Lợi Trinh được xem là ông tổ của họ Lý, phát tích huyện Lộc Ấp (tỉnh Hà Nam).

Cách các viết

  • Chữ Hán: 李_李
  • Bính âm Hán ngữ: Lǐ
  • Wade-Giles: Li³
  • Việt bính: Lei⁵
  • Bạch thoại: Lí
  • Chữ Hàn (Hangul): 이, 리
  • Romaja quốc ngữ (dùng ở Hàn Quốc): I, Ri
  • McCune–Reischauer (dùng ở Triều Tiên): Ri
  • Bình giả danh (Hiragana): すもも
  • Phiến giả danh (Katakana): リ (chỉ chung), リー (người Hán), イ (người Triều Tiên)
  • Rōmaji: Sumomo
  • Chữ Quốc ngữ: Lí, Lý
  • Cách viết Latin khác: Dee, Dy, Sy (ở Philippines); Lie (ở Indonesia); Li (trong tiếng Ngô), Lî (trong tiếng Cám); Lī (trong tiếng Mân Đông); Lay, Ly, Rhee, Yi…
  • Cách viết Latin khác (trong tiếng Nhật): Ī, Momo, Ki, Ri, Rī, Rin

Trong tiếng Anh, họ này là Li hay Lee tuỳ theo nước (như Li đối với Trung Quốc; Lee đối với Hàn Quốc, Hương Cảng). Trong tiếng Việt, họ này là Lý hay Lí tuỳ theo chính tả (tức là tuỳ theo cách viết i – y của mỗi người).

Họ Lý hay Lí ở Việt Nam
Do họ này được viết quá phổ biến trong tiếng Việt là Lý (cũng là 1 họ khá phổ biến ở Việt Nam) nên Bách khoa người phương Đông quy định viết là Lý để phân biệt với các họ 里, 理, 俚 và 浬 cùng phiên âm (viết là Lí). Thực tế, do y là bán nguyên âm của i nên khi âm /i/ ghép với một phụ âm phải là i (tức là Lí). Điều này có thể dễ nhận thấy ở các cách viết sử dụng hệ thống chữ Latin. Nếu bạn có ý kiến nào về cách viết họ này trong tiếng Việt, xin góp ý ở phần nhận xét phía dưới.

Lịch sử và nguồn gốc

1. Theo Nguyên Hoà tính toảnTân Đường thư: Tông thất thế hệ, hậu duệ Cao Dao là Lí Trưng (理征) phạm tội bị Thương Trụ Vương (thế kỉ XII TCN) đuổi khỏi nước và chết. Con là Lí Lợi Trinh (理利貞) sống sót nhờ ăn trái cây gọi là Mộc Tử (木子). Để ghi nhớ sự kiện này, ông ghép chữ 木 và chữ 子 thành chữ 李 (cùng âm với 理) để làm họ.
2. Theo Tính thị khảo lược, hậu duệ Lợi Trinh là Lão Tử (老子) nhân tổ tiên từng làm chức quan Đại lí (大理), mà xưa chữ 理, 李 cùng âm, đã lấy Lý (李) làm họ.
3. Theo Trung Quốc tứ bách đại tính của Viên Nghĩa Đạt và Khâu Gia Nho, Chu Thành Vương (thế kỉ XI TCN) ban đất cho người Ba lập quốc. Năm 316 TCN, nước Ba bị Tần diệt. Nhiều người Ba đã nhận Lý – từ âm Hán có âm giống với vật tổ của họ là hổ – làm họ.
4. Thế kỉ III: Thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng sau khi bình Ai Lao (người Hồ) đã ban họ cho những người này, trong đó có Lý.
5. Theo Nguỵ thư: Quan thị chí, Hiếu Văn Đế (thế kỉ V) thời Bắc Nguỵ thực hành Hán hoá, họ Sất Lí (叱李) người Tiên Ti được đổi thành Lý.
6. Vua Đường ban họ:
– Theo Cựu Đường thư: Liệt truyện 17, Đường Cao Tổ (thế kỉ VII) ban họ vua cho tướng Từ Thế Tích (徐世勣).
– Theo Cựu Đường thư: Liệt truyện 92, Đường Đại Tông (thế kỉ VIII) ban tên Lý Bảo Thần cho Trương Trung Chí (張忠誌), một vị tướng người Hề.
– Theo Tư trị thông giám: Đường kỉ, Đường Ý Tông (thế kỉ IX) ban tên Lý Quốc Xương cho Chu Da Xích Tâm (朱邪赤心), một thủ lĩnh người Sa Đà.
– Theo Tân Đường thư: Liệt truyện 146, Thác Bạt Tư Cung (拓拔思恭), một thủ lĩnh quân phiệt người Đảng Hạng được Đường Hi Tông ban họ.
7. Theo Vận Thành huyện chí dẫn Lý thị tộc phổ (trấn Lý Tập, Vận Thành, Sơn Đông), họ Lý ở đây có tổ tiên là Hiên Viên Bân (軒轅斌) làm quan đầu đời Minh. Sau vì bị hãm hại, con cháu phải đổi sang các họ khác, trong đó có Lý.
8. Theo Thanh thông chí: Thị tộc lược – Mãn Châu bát kì tínhCát Lâm thông chí, người Mãn Hán hoá, các thị tộc Bảo Lí Cát Đặc (寶里吉特), Hãn Sở (罕楚), Khố Nhã Lạp (庫雅拉), Lí Giai (李佳), Lỗ Bố Lí (魯布哩), Mục Hoà Lâm (穆和林), Mục Lí Nhã Liên (穆里雅連), Ô Khố Lí (烏庫理), Quách La (郭囉), Tát Cáp Liên (薩哈連), Tát Khắc Đạt (薩克達), Tích Lặc Nhĩ Cát (錫勒爾吉), Trát Khắc Tháp (扎克塔), Y Lạt (伊喇) có chi đổi sang họ Lý.
9. Theo Thanh thông chí: Thị tộc lược – Mãn Châu bát kì tính, thị tộc Y Lạp Lí (伊拉哩) người Tích Bá sau Hán hoá, có chi đổi sang họ Lý.
10. Theo Thanh thông chí: Thị tộc lược – Phụ tái Mông Cổ bát kì tính, người Mông Cổ Hán hoá, các thị tộc Ba Lỗ Đặc (Barut), Bác Nhĩ Tế (Borgi), Bác Nhĩ Tế Cát Đặc (Borjigit), Bác Thạc (Bosoo), Đông Ni Quả Đặc (Tongnigot), Hoàng Cổ Thai (Huanggutai), Khách Sở Đặc (Kacut), Kì Mặc Tư (Cimos), Lí Nhã Lạp (Liyala), Mô Tích Liệt (Mosire), Ngạc Nhĩ Khắc Đặc (Erket), Nỗ Đặc Luân (Nutelun), Ông Ngưu Đặc (Wengnot), Tác Nặc Đồ (Sonotu), Tháp Lạt Ba Tề Khắc (Talbacik), Tề Mộc Khắc Đồ (Cimketu), Trác Ba Lỗ Đặc (Jobalut) có chi đổi sang họ Lý.
11. Theo Đại Nam nhất thống chíQuốc triều chính biên toát yếu, vua Minh Mạng nhà Nguyễn (thế kỉ XIX) đã nhiều lần ban họ cho các sắc tộc thiểu số, trong đó có Lý.

Ở Việt Nam, Lý là một trong những họ cổ nhất, xuất hiện vào khoảng thế kỉ II. Tuy nhiên, trước đó, vào thế kỉ III TCN đã có một nhân vật họ Lý từng làm tướng dưới thời Tần Thuỷ Hoàng là Lý Ông Trọng (người Hà Nội). Ông được xem là thuỷ tổ của họ Lý ở Việt Nam. Tuy vậy, nhân vật này được nhiều nhà nghiên cứu cho chỉ là hư cấu và lại được biết đến trong truyền thuyết ở Trung Quốc với tên Nguyễn Ông Trọng (阮翁仲).
Ở Hàn Quốc, có 2 dòng họ Lý lớn có nguồn gốc hoàng tộc nhà Lý Việt Nam là hậu duệ Lý Long Tường (hoàng thân nhà Lý, con Lý Anh Tông) và hậu duệ Lý Dương Côn (con nuôi Lý Nhân Tông).

Các triều đại họ Lý

Việt Nam
Vạn Xuân (544 – 602): trừ triều Việt vương Triệu Quang Phục (548 – 571)
Cuối Đại Cồ Việt (1010 – 1054)
Đầu Đại Việt (1054 – 1226): Thánh Tông Lý Nhật Tôn đổi tên nước từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt năm 1054.

Trung Quốc
Thành Hán (304-347): gồm 2 nước Thành và Hán (thành lập năm 338)
Tây Lương (400 – 420)
Đại Đường (618 – 907): trừ thời Võ Tắc Thiên (690 – 705) là nước Đại Chu.
Hậu Đường (923 – 936): nguyên họ Chu Da cải sang Lý (vua Đường ban họ).
Nam Đường (937 – 975): nguyên họ Từ cải sang Lý.
Tây Hạ (1032 – 1227): nguyên họ Thác Bạt cải sang Lý (vua Đường ban họ).

Bán đảo Triều Tiên
Triều Tiên (1392 – 1897)
Đế quốc Đại Hàn (1897 – 1910): Cao Tông Lý Mệnh Phúc đổi tên nước từ Triều Tiên thành Đế quốc Đại Hàn.

Bản quán họ Lý (李)

Bản quán hay có thể hiểu là dòng họ là hình thức phân biệt nguồn gốc khác nhau của những người cùng họ của người Triều Tiên. Họ Lý (李) ở Hàn Quốc có khoảng 240 bản quán.

Một số bản quán lớn (và thuỷ tổ):

  1. Toàn Châu (Jeonju): Lý Hàn (I Han) hoàng tộc nhà Triều Tiên
  2. Khánh Châu (Gyeongju): Lý Yết Bình (I Al Pyeong)
  3. Tinh Châu (Seongju): Lý Thuần Do (I Sun Yu)
  4. Quảng Châu (Gwangju): Lý Tự Thành (I Ja Seong)
  5. Nguyệt Thành (Wolseong): Lý Chi Tú (I Ji Su) tách ra từ Khánh Châu
  6. Toàn Nghĩa (Jeon’ui): Lý Trạo (I Do)
  7. Diên An (Yeon’an): Lý Mậu (I Mu) gốc nhà Đường (Trung Quốc)
  8. Hàn Sơn (Hansan): Lý Doãn Khanh (I Yun Gyeong)
  9. Hàm Bình (Hampyeong): Lý Ngạn (I Eon)
  10. Vĩnh Xuyên (Yeongcheon): Lý Văn Hán (I Mun Han)
  11. Xiểm Xuyên (Hapcheon): Lý Khai (I Gae)
  12. Tinh Sơn (Seongsan): Lý Năng Nhất (I Neung Il)
  13. Bích Trân (Byeokjin): Lý Thông Ngôn (I Chong Eon)
  14. Cố Thành (Goseong): Lý Hoàng (I Hwang) gốc nhà Tây Hán (Trung Quốc)

Một số bản quán đáng chú ý khác
Hoa Sơn (Lý Long Tường) gốc nhà Lý (Việt Nam), Thái An (Lý Kì) gốc nhà Đường (Trung Quốc), Thái Nguyên (Lý Quý Chi) gốc nhà Tống (Trung Quốc), Thanh Hải (Lý Chi Lan) gốc tộc Nữ Chân nhà Nguyên (Trung Quốc), Thương Sơn/Thượng Châu (Lý Mẫn Đạo) gốc nhà Nguyên (Trung Quốc), Tinh Thiện (Lý Dương Côn) gốc nhà Lý (Việt Nam).

Số lượng và phân bố

Có khoảng 117 triệu người mang họ Lý sống rải rác khắp nơi trên thế giới, tập trung chủ yếu ở Trung Quốc, Việt Nam, bán đảo Triều Tiên và hầu hết thuộc ba dân tộc Hán (hơn 100 triệu), Triều Tiên (hơn 12 triệu), Việt (hơn 50 vạn). Các dân tộc như Bạch, Dao, Di (Lô Lô), Khơ Me, Miêu (Hmong), Mông Cổ, Thái, Thổ Gia, Thuỷ, Tích Bá, Tráng… cũng có người mang họ Lý. Họ Lý cũng xuất hiện ở nhiều quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Tân Gia Ba (Singapore), Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Lào… và các nước phương Tây như Mĩ, Canada, Anh… Những người này chủ yếu là dân di cư có nguồn gốc Trung Quốc.

Theo điều tra nhân khẩu ở Hàn Quốc năm 2015, còn có trường hợp họ Lý mã hoá chữ Hán là 李 (số lượng rất ít) được thống kê riêng rẽ với 李.

Danh nhân họ Lý

Xem bài Danh nhân họ Lý.
 

Thể loại Họ phương Đông

Bình luận về bài viết này