• Thông báo

    Trang này được xây dựng như một Bách khoa về người phương Đông và các vấn đề liên quan. Các bạn có thể sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm những mục từ mà mình quan tâm. Nếu không tìm được hoặc chỉ muốn dạo chơi qua, các bạn có thể vào mục Thể loại phía trên và từ mục đó đến với tất cả các thể loại và bài viết có mặt trong trang.

    Ở cuối mỗi trang đều có mục thể loại là nơi tập hợp những bài viết có liên quan đến bài bạn đang xem.
    Các bạn hãy coi phần nhận xét ở cuối mỗi bài là trang thảo luận để cải thiện chất lượng bài và bàn về những vấn đề liên quan. Về những ý kiến đối với toàn trang, xin viết ở phần nhận xét của trang Diễn đàn.

    Bách khoa này đang trong quá trình hoàn thiện nên những bài viết còn rất ít và sơ khai. Trang bắt đầu hoạt động từ ngày 26/6/1010.

    Bongdentoiac Group

    Trụ sở: TP.Hà Nội, Việt Nam Email: bongdentoiac@gmail
  • Thông điệp

    Vì sao

    Xin hiểu vì sao theo nghĩa rộng gồm các ngôi sao, hành tinh và vệ tinh… Vì sao cũng có thể là câu hỏi: vì sao?

    Mỗi người đều có một vì sao riêng của mình. Và vì sao của tôi chính là Trái Đất. Mọi người đều muốn được ngắm nhìn vì sao của mình. Còn tôi, tôi thấy nó hằng ngày, thấy cả trong giấc ngủ. Tôi thấy những gì đang diễn ra xung quanh nó. Vì sao của ai cũng lung linh và họ hi vọng nó sáng chói trên bầu trời, vũ trụ. Vì sao của tôi thì ngày càng tối tăm, mù mịt. Bao nhiêu khí độc, bao nhiêu tệ nạn, bao nhiêu bệnh tật đã làm cho Trái Đất yếu đi nhiều so với cái hồi tôi gặp nó. Ai đã làm nên tất cả những điều này. Đó chính là tôi hay là các bạn đang giữ cho mình một vì sao sáng. Vì sao của đời bạn đã làm cho bạn những gì? Vì sao của tôi luôn hết mình vì mọi người mà chẳng nhận được chút gì. Tôi đã làm được gì cho nó? Xin các bạn hãy giúp tôi thực hiện cái nhiệm vụ to tát này. Để mãi mãi về sau Trái Đất - vì sao của tôi - có thể sinh lợi cho các bạn.

    Hà Nội, 19/8/2005
    Tường Trung Phủ (祥衷甫)

Họ Trần

Trần (chữ Nôm: 陳) là một họ khá phổ biến của người Á Đông. Họ này xuất hiện ở vị trí thứ 10 trong Bách gia tính. Ngoài ra, còn 2 họ Trần khác không có trong Bách gia tính là 塵 và 蔯. Ở Trung Quốc, Quy Mãn được xem là thuỷ tổ họ Trần (陳), phát tích huyện Chá Thành (tỉnh Hà Nam).

Các cách viết

  • Chữ Hán: 陳 (陈); 塵 (尘); 蔯 (𫈟)
  • Bính âm Hán ngữ: Chén
  • Wade-Giles: Ch’en²
  • Việt bính: Can⁴
  • Chữ Hàn (Hangul): 진
  • Romaja quốc ngữ (dùng ở Hàn Quốc): Jin
  • McCune–Reischauer (dùng ở Triều Tiên): Chin
  • Bình giả danh (Hiragana): ちん
  • Rōmaji: Chin
  • Chữ Quốc ngữ: Trần
  • Tiếng Anh: Chan, Chen, Chin, Jin, Tan, Tran

Trong tiếng Hán, họ 陳 có nhiều cách viết Latin khác nhau tuỳ thuộc phương ngôn như:
– Tiếng Việt: Can (Quảng Đông), Chan (Hương Cảng, Áo Môn), Gin (Đài Sơn), Chean, Chun
– Tiếng Tấn: Ceng
– Tiếng Khách Gia: Chin, Chhìn, Chhṳ̀n…
– Tiếng Cám: Ciin, Thin, Thín…
– Tiếng Mân: Děng (Mân Bắc); Dìng, Ting (Phúc Châu); Dunn, Tîn (Phúc Kiến); Sin, Tân (Mân Nam); Tan (Triều Châu, Phúc Kiến); Tang (Triều Châu)…
– Tiếng Ngô: Zen (Thượng Hải), Tchen
– Tiếng Tương: Zhen

Trong tiếng Nhật, họ 陳 có nhiều cách viết khác là Chen, Chīn, Chitsun, Han, Jin, Shō, Tan, Toran, Tsun, Yō, Zen.
Ở các nước khác, họ 陳 còn được viết là Dan (ở Thái Lan), Hartanto (ở Indonesia)[1], Taing (ở Campuchia)…

Nguồn gốc và lịch sử

Họ Trần (陳)
1. Theo Nguyên Hoà tính toản, Quy Mãn (媯满) được Chu Vũ Vương (thế kỉ XI TCN) ban đất lập nước Trần. Con cháu nhân đó đã nhận Trần làm họ.
2. Theo Thông chí: Thị tộc lược, hậu duệ Quy Mãn là Quy Hoàn (媯完, khoảng thế kỉ VII TCN) người nước Trần tị nạn sang nước Tề, đổi tên là Điền Hoàn. Con cháu nhân đấy lấy Điền (田), một số khác lấy tên nước Trần làm họ.
3. Theo Nguỵ thư: Quan thị chí, các quý tộc người Tiên Ti sau khi theo Nguỵ Hiếu Văn Đế rời đô về Lạc Dương đã thực hiện chính sách Hán hoá qua việc đổi các họ sang họ Hán. Năm 496, họ Hầu Mạc Trần (侯莫陳) được rút gọn lại thành họ Trần.
4. Theo Hà Nam quan thị chí, tướng nhà Tuỳ là Bạch Vĩnh Quý (白永貴) người Hồ, đã đổi họ thành Trần.
5. Theo Đại Việt sử kí toàn thư, quan Hành khiển Đỗ Khắc Chung (杜克終) do lập công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông nên được vua Trần Nhân Tông (thế kỉ XIII) ban họ vua.
6. Theo Đối chiếu và thuyết minh về họ Hán, họ Nữ Chân của Trần Thuật, thị tộc Hoàn Nhan (完顏) của hoàng tộc Nữ Chân có chi đổi sang họ Trần vào cuối đời nhà Kim.
7. Theo Nguyên sử, thủ lĩnh quân phiệt đời Nguyên là Trần Hữu Lượng vốn họ Tạ (謝), nhân ở rể họ Trần mà đổi sang họ vợ.
8. Theo Tục thông chí: Thị tộc lược, Minh Thái Tổ (thế kỉ XIV) đã ban họ Trần cho các quý tộc Mông Cổ hàng Minh.
9. Theo Mãn tộc tính thị lục, thị tộc Trần Giai (陳佳) người Mãn thời Thanh đã được rút gọn lại thành Trần.
10. Theo Mãn tộc tính thị tầm căn từ điển của Triệu Lực, thị tộc người Mãn là Phí Mạc (費莫) thời Dân quốc đã đổi sang các họ Hán, trong đó có Trần.

Ở Việt Nam, theo Đại Việt sử kí toàn thư, kỉ Nhà Trần, thuỷ tổ họ Trần (tức hoàng tộc nhà Trần) là Trần Quốc Kinh, một người Mân Việt (ở Trung Quốc), di cư sang Việt Nam vào khoảng đời vua Nhân Tông Lý Càn Đức. Tuy vậy, trong lịch sử, trước dòng họ này đã có những nhân vật mang họ Trần. Nổi bật đầu tiên có lẽ là Trần Điền, ông tổ nghề kim hoàn ở Việt Nam (sống vào thế kỉ VI). Ngoài ra, theo Việt Nam danh nhân tự điển của Nguyễn Huyền Anh, mẹ Hai bà Trưng (bà Man Thiện) có tên thật là Trần Thị Đoan.

Họ Trần (塵)
1. Theo Vạn tính thống phổ, thời Chu Mục Vương (thế kỉ X TCN) có chức quan Trần nhân (塵人). Con cháu nhân đó lấy Trần Nhân làm họ, sau rút gọn lại thành Trần.
2. Nước Việt thời Chiến quốc có ấp Việt Trần (越塵), người dân nhân đó lấy Trần làm họ.

Họ Trần (蔯)
Theo sách Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử của Hoàng Lê, con cháu nhà Mạc sau khi thất thế chúa Trịnh đã phải đổi sang nhiều họ khác. Trong đó, có chi đổi sang họ Trần (陳), nhưng thêm bộ 艹 của họ Mạc (莫) làm dấu hiệu nhận biết, thành ra 蔯.

Các triều đại họ Trần

Trung Quốc
Trần (557 – 589)

Việt Nam
Cuối Đại Việt lần 1 (1225 – 1400)
Thời thuộc Minh (Hậu Trần): (1407 – 1413) (1426 – 1428)

Số lượng và phân bố

Trần (陳) là họ phổ biến của người Hán và Việt; cũng là 1 họ của người Triều Tiên, Bạch, Bố Y, Cao Sơn, Dao, Di, Động, Hani (Cáp Nê), Hồi, Khơ Me, Khương, La Hủ, Lê, Mãn, Miêu (Hmong), Mông Cổ, Mường, Ngạc Xuân Luân, Thái, Thổ, Thổ Gia, Tráng, Xa, Va… với dân số khoảng 82 triệu.
Họ Trần (陳) tập trung đông đảo ở vùng ven biển từ Giang Nam (Trung Quốc) đến Lĩnh Nam là họ phổ biến nhất ở Đài Loan (số liệu thống kê năm 2018) và Tân Gia Ba (số liệu năm 2000). Ở Trung Quốc, họ này xếp ở vị trí thứ 5, là họ phổ biến nhất ở Chiết Giang, Hải Nam, Phúc Kiến và Quảng Đông. Theo cuốn Họ và tên người Việt Nam của Tiến sĩ Lê Trung Hoa (2005, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội) thì Trần là họ phổ biến thứ 2 ở Việt Nam, chiếm 11% dân số. Trong số các họ người Hoa ở Canada, thì Trần xếp thứ 2 (viết là Chan) và 4 (viết là Chen). Ở Philippines, họ này đứng thứ 37 và là họ người Hoa phổ biến nhất[2]. Ngoài ra, họ Trần cũng xuất hiện ở nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Mĩ, Panama, Úc… là họ Hoa kiều phổ biến nhất[3].

Họ Trần (塵) sinh sống rải rác ở các tỉnh Trung Quốc như Hồ Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông… với dân số khoảng 1000 người. Trong khi đó, Trần (蔯) tuy là một họ rất hiếm nhưng cũng xuất hiện ở cả Trung Quốc, Việt Nam lẫn Hàn Quốc.

Danh nhân họ Trần

Dưới đây là một vài nhân vật mang họ Trần có thể đáng chú ý.

  • Trần (塵)
    Trung Quốc
    Trần Đạc: Giám sát ngự sử đời Minh
  • Trần (陳)
Thể loại Họ phương Đông

Bình luận về bài viết này